Giá cổ phiếu OTC
Không ồn ào và tranh mua, tranh bán như gần 10 năm về trước, nhưng dịp này, thị trường mua ban OTC cũng nhộn nhịp chẳng kém thị trường niêm yết, với một loạt mã cổ phiếu của các doanh nghiệp đang có kế hoạch lên sàn.
Anh bạn môi giới quen gọi điện khoe, phiên sáng 5/1 đã chốt lãi cổ phiếu HVN (Vietnam Airlines) với khoảng 70.000 cổ phiếu cho cả nhóm 5 người. Giá cổ phiếu OTC trung bình họ mua vào trước khi HVN chào sàn là 42.000 đồng/cổ phần, bán ra trung bình đạt giá 51.000 đồng/cổ phần. Lãi 21% trong vòng hơn 1 tháng, anh bạn chặc lưỡi: “Ăn lộc thế thôi!”.
Để có lộc như vậy, họ không phải những nhà đầu tư “tay mơ”, chí ít trình độ của anh bạn môi giới cũng thạc sỹ kinh tế, đọc vanh vách báo cáo tài chính doanh nghiệp, chưa kể còn nắm được nhiều thông tin bên lề, chăm sóc khá nhiều khách VIP trên các sàn chứng khoán.
Lợi nhuận khủng từ các thương vụ săn cổ phần của các doanh nghiệp sắp niêm yết và đăng ký giao dịch như Habeco, Sabeco, ACV, Vietnam Airlines đang khiến nhiều nhà đầu tư hào hứng.
Ngoài HVN, anh bạn còn tư vấn cho các khách ruột khá nhiều mã cổ phiếu và đang tham gia “săn” nhiều cổ phiếu như Dược Việt Nam, Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài (Nasco)…
Cách săn hàng OTC phổ biến nhất hiện nay là móc nối với nguồn tin từ doanh nghiệp, sở giao dịch chứng khoán hoặc công ty chứng khoán làm đại lý đấu giá để có được danh sách và liên lạc của cổ đông doanh nghiệp, sau đó nhắn tin chào mua giá cổ phiếu OTC. Người có nhu cầu bán sẽ liên hệ lại và trao đổi giá cả.
Với cổ phiếu OTC mà doanh nghiệp phát hành chưa chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, chưa ra sổ cổ đông, phương thức giao dịch rất đa dạng.
Có những đầu mối quen biết nhau chỉ cần giao tiền và giao chứng từ gốc như thông báo xác nhận trúng giá (nếu tham gia đấu giá qua sở giao dịch chứng khoán), giấy nộp tiền, thông báo xác nhận cổ phần… Nhưng có những đầu mối làm chặt chẽ hơn thì yêu cầu lập hợp đồng mua bán cổ phần, lấy xác nhận công chứng…
Với những doanh nghiệp đã ra sổ cổ đông, hai bên mua bán chỉ cần qua doanh nghiệp làm thủ tục chuyển nhượng cổ phần và thay đổi đăng ký cổ đông rất đơn giản.
Giá cổ phiếu OTC biến động không quá nhanh, nhưng vì không có thước đo chuẩn như sàn niêm yết nên cũng mỗi nơi mỗi khác. Đơn cử như cổ phiếu VIB của Ngân hàng Quốc tế, vào giữa tháng 10, khi ngân hàng này thông báo chốt danh sách cổ đông để lưu ký chứng khoán, lập tức trên thị trường, những nhà đầu tư nhỏ lẻ sở hữu cổ phiếu VIB nhận được tin nhắn chào mua cổ phần.
Giá giao dịch trong khoảng 15.000 đồng/cổ phần (đã bao gồm quyền chia cổ phiếu thưởng năm 2016 tỷ lệ 16,5%), 1 tuần sau giá nhảy lên 17.000 đồng/cổ phần và nay, trước thời điểm VIB giao dịch trên UPCoM vào ngày 9/1, thị trường truyền nhau giá 19.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, giao dịch thành công thì hầu như không ghi nhận được.
Một nhân viên phụ trách khách hàng tổ chức của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trong nhóm gom cổ phiếu VIB cho biết, không chỉ tại Hà Nội, họ còn vào miền Trung, miền Nam để giao dịch nếu có nhà đầu tư bán cổ phần.
Trên thực tế, không phải cứ gom được cổ phiếu OTC trước khi lên sàn là chắc thắng. Cũng có nhà đầu tư ăn quả đắng khi mua cổ phiếu Vietnam Airline...
Việc thu gom cổ phần được tổ chức theo nhóm, rất chuyên nghiệp với mỗi người mỗi việc cụ thể, người đảm nhận việc liên hệ, trao đổi với khách hàng, người đảm nhận việc dẫn khách lên Hội sở VIB làm thủ tục chuyển nhượng cổ phần…
Nhưng cũng theo môi giới này, họ đứng ra gom hàng theo đặt hàng của một số nhà đầu tư lớn, ăn phí dịch vụ, chứ không tự bỏ tiền đầu tư cổ phần, bởi rủi ro cũng khó lường trước.
Trên thị trường thứ cấp, giá cổ phiếu ngân hàng vẫn lẹt đẹt, một loạt cổ phiếu của các ngân hàng có quy mô và hiệu quả kinh doanh cao hơn VIB, hiện thị giá còn dưới mệnh giá. Cổ phiếu của các ngân hàng “chiếu trên” như Vietinbank trong khoảng 16.000 đồng/cổ phần; MB 13.000 đồng/cổ phần, Sacombank thì dưới mệnh giá…
Ngoài VIB, cổ phiếu của các ngân hàng đang có kế hoạch lên sàn như Techcombank, VPBank cũng được tìm mua, nhưng không quá sôi động.
Sôi động nhất là cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện IPO như Nasco, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Dược Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex)…
Lợi nhuận khủng từ các thương vụ săn cổ phần của các doanh nghiệp sắp niêm yết và đăng ký giao dịch như Habeco, Sabeco, ACV, Vietnam Airlines đang khiến nhiều nhà đầu tư hào hứng.
Bên cạnh đó, giới đầu tư còn cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa và IPO thường định giá rất thận trọng, trong nhiều trường hợp, chưa tính hết tiềm năng của doanh nghiệp vào giá trị cổ phần.
Thêm vào đó, những doanh nghiệp này cũng đã có bề dày hoạt động, là những doanh nghiệp đầu ngành nên cầm cổ phiếu không lo ảo như nhiều công ty tư nhân mới được thành lập và niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Song khác với cảnh mua bán bất luận thông tin và sức khỏe doanh nghiệp như con sóng lớn cách đây gần chục năm, lần này các nhà đầu tư tham gia chợ OTC khôn ngoan hơn rất nhiều. Họ mua bán đều có sự tư vấn và phân tích thông tin kỹ lưỡng, đồng thời bản thân họ cũng là những nhà đầu tư khá am hiểu, dạn dày kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán.
Đơn cử, cổ phiếu VEAM được chào mua từ cuối tháng 12/2016 với giá 17.000 đồng/cổ phần, nhưng đến nay, giá giao dịch thành công cũng chỉ nhúc nhắc trong khoảng 17.200 – 17.500 đồng/cổ phần.
Trong khi đó, cổ phiếu của Tổng công ty Dược được ưa thích hơn, mức giá cũng dao động quanh 18.000 đồng/cổ phần. VEAM có quy mô lớn, các chỉ số kinh doanh khá tích cực, nhưng điểm yếu lại ở chỗ không có hoạt động kinh doanh cốt lõi, lợi nhuận hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động của các liên doanh và chính sách chia lợi nhuận của họ. Trong khi đó, ngành ô tô đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi Việt Nam cắt giảm thuế quan do hội nhập.
Trên thực tế, không phải cứ gom được cổ phiếu OTC trước khi lên sàn là chắc thắng. Cũng có nhà đầu tư ăn quả đắng khi mua cổ phiếu Vietnam Airlines với giá 47.000 đồng/cổ phần trước khi cổ phiếu này giao dịch trên UPCoM. Sau 3 phiên tăng giá từ 28.000 đồng/cổ phần lên 49.300 đồng/cổ phần, phiên giao dịch ngày 6/1/2017, cổ phiếu HVN đã bị xả hàng, giảm hơn 5.000 đồng/cổ phần xuống 45.000 đồng/cổ phần.
Nếu xét về ưu thế bán, nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ khóc ròng vì nếu không nhanh chân, giá cổ phiếu có thể tiếp tục giảm trước động thái bán ra 10 triệu cổ phiếu HVN của cổ đông lớn Techcombank. Lưu ý là giá gốc của Techcombank chỉ quanh ngưỡng 22.000 đồng/cổ phần.
Chưa kể, tới đây, thị trường sẽ có thêm nhiều cổ phiếu tốt được đưa ra niêm yết khi quy định doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ra công chúng sau 1 năm phải đăng ký giao dịch tập trung được thực thi. Đặc biệt là quy định cổ phần đấu giá qua Sở giao dịch chứng khoán sẽ tự động được đưa vào giao dịch trên hệ thống UPCoM trong vòng 15 ngày có hiệu lực.